Người bị chó, mèo cắn vết thương bị bầm tím, rách da, chảy máu. Đầu tiên cần rửa ngay thật kỹ vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước mạnh ít nhất là 5 phút rồi tiến hành sát trùng vết thương bằng dung dịch cồn 70% hoặc dung dịch iode, nhằm làm giảm tối thiểu lượng vi rút xâm nhập nơi vết cắn. Sau đó dùng miếng vải sạch phủ lên vết thương và băng hờ lại. Tránh băng kín vết thương. Trong quá trình sơ cứu, tuyệt đối không để vết thương bị trầy xước, bầm dập. Đặc biệt, không được tùy tiện sử dụng thuốc Nam để điều trị. Sau khi sơ cứu, cần đưa người bị chó (mèo) cắn đến các cơ sở y tế để các bác sĩ khám và có chỉ định điều trị thích hợp.
Chơi đùa với chó,mèo chưa được tiêm phòng dại sẽ rất nguy hiểm nếu bị cắn
Nếu vết cắn nhẹ, xa thần kinh trung ương thì có thể tiêm phòng uốn ván và theo dõi con vật đã cắn. Vì vết thương do chó cắn đều làm da bị xé rách, dễ nhiễm các loại tạp khuẩn, đặc biệt là vi rút bệnh dại từ nước bọt của chó và vi rút uốn ván từ móng của chó. Nếu sau 10 ngày mà chúng vẫn bình thường thì có nghĩa là khi cắn người nó chưa bị dại, không thể lây bệnh sang người. Tuy nhiên trong thời gian theo dõi, nếu con vật phát bệnh, bị ốm hoặc bị chết (với bất cứ nguyên nhân nào) hoặc bỏ đi… thì cần phải tiêm phòng ngay.
Chó bị bệnh dại có 2 thể lâm sàng là thể điên cuồng và thể liệt. Sau thời gian ủ bệnh từ 3 – 5 ngày, chó dại thường bỏ ăn, những thói quen hàng ngày của nó bị thay đổi; nhiều khi thể hiện sự vui mừng hay hung dữ quá độ trong vòng vài giờ đến vài ngày. Sau đó là giai đoạn lên cơn, con vật luôn vận động, tiếng kêu khàn giọng, sủa kéo dài rồi rướn cao lên thành tiếng rú ghê rợn. Những kích thích nhỏ đều làm nó lên cơn điên dại, thường chồm vào người, súc vật hoặc đồ vật chung quanh và cắn rất mạnh. Chó dại thường bỏ nhà, chạy rông và gặp bất kỳ ai cũng cắn. Sau vài ngày, nó phờ phạc, gầy mòn, kêu thất thanh rồi bị liệt và chết trong vòng 7 ngày. Trái lại, có loại chó dại lên cơn nhưng không hung dữ, chỉ nằm im một chỗ, nước bọt chảy nhiều, chó không sủa, không cắn và chết trong vòng từ 3 – 5 ngày.
Nếu bị cắn nhiều chỗ hoặc bị cắn ở những vùng gần thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, vai; vùng gần tủy sống như hậu môn, cơ quan sinh dục… phải tiêm vaccin phòng dại và huyết thanh kháng dại ngay, bất kể con vật cắn có bị dại hay không. Nếu đến tiêm muộn, hiệu quả phòng bệnh sẽ giảm hoặc không còn tác dụng. Ngoài ra, những người có nguy cơ bị nhiễm virus dại như: nhân viên thú y, chăm sóc thú rừng, làm trong phòng thí nghiệm có tiếp xúc với virus dại… cũng cần tiêm vaccin phòng bệnh dại.
Khi con vật đã bị dại thì trong tuyến nước bọt và các dây thần kinh đều có vi rút dại, các bộ phận khác cũng có thể chứa vi rút nên rất nguy hiểm. Do đó tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp và không dùng làm thức ăn cho người và gia súc.
Hiện nay, tại các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, đều có thể tiếp nhận bệnh nhân đến tiêm phòng bệnh dại. Mặt khác, để đẩy lùi bệnh dại nhất là vào thời điểm hiện nay nên hạn chế việc nuôi chó, mèo. Nếu nuôi thì phải xích, nhốt rọ mõm lại, tránh để chó, mèo chạy rông và phải tiêm phòng dại cho vật nuôi theo quy định.